Nhắc đến 2 chữ “Giảm nghèo”, chắc hẳn không ít người chúng ta nghĩ ngay đến các suất cơm từ thiện, hàng tấn gạo hay vô vàn những thùng mì gói. Tôi cũng từng nghĩ như thế. Nhưng cơm gạo ăn rồi cũng hết, và sau đó, cuộc sống của người dân nghèo vẫn hoàn nghèo.
Dự án Giảm nghèo (Charity Fund for Poverty Reduction) có tư duy khác hẳn. Không đơn thuần chỉ là hỗ trợ về kinh tế cho các hộ dân, dự án còn tạo nên một động lực tinh thần to lớn giúp họ thoát khỏi cái cảnh “không ai mong muốn”.
Dự án chính thức bắt đầu vào cuối năm 2014 tại xã An Phú Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Với số tiền huy động ban đầu là 150 triệu, dự án đã tiến hành cho vay theo dạng tín dụng nhỏ không lãi suất hoặc thế chấp (tối đa là 15 triệu/ hộ) nhằm mục đích giúp các gia đình khó khăn gần mức chuẩn nghèo phát triển chăn nuôi gia súc, cải thiện đời sống, để rồi tự vực dậy kinh tế để thoát khỏi cảnh nghèo. Hiện tại, dự án đã phát triển đến Tây Ninh. Điểm đặc biệt của dự án là ở chỗ hàng tháng, mỗi hộ dân nhận hỗ trợ phải hoàn lại cho Quỹ dự án 300 ngàn đồng. Sau khi số tiền đạt ngưỡng 15 triệu, dự án sẽ tiến hành thẩm định và giải ngân cho hộ chờ vay vốn tiếp theo. Cứ thế, dự án tiếp tục cho đến khi không còn hộ nào nghèo nữa!! Một mục tiêu thật cao cả, các bạn nhỉ?
Theo chân bác T – người sáng lập Dự án, tôi đến xã An Phú Trung để “chiêm ngưỡng” rõ nhất những thành quả mà các hộ dân đã làm được. Trước hết, không thể không nhắc đến nhà anh Liêm – hộ tham gia trong đợt đầu tiên của dự án. Từ hai bàn tay trắng phải đi chăn thuê, tính đến nay, anh đã sở hữu một đàn dê béo tốt và khỏe mạnh với số lượng là 20 con. Trong đó, có một con đực “chuyên gia” giao phối. Mỗi lần như vậy, anh kiếm được 250 ngàn, một khoản thu nhập đáng kể. Gặp chúng tôi, anh không giấu được vẻ vui mừng, hớn hở vì gặp được vị ân nhân, bác T. Trong giây phút trò chuyện, anh chia sẻ: “Cũng nhờ nguồn vốn của chương trình mà chúng tôi có được ngày hôm nay, 2 đứa con cuối cùng cũng được cho ăn học đàng hoàng, tui mừng lắm. 25 tháng trước, thú thật đến nỗi một ngàn để mua cái móng dê, tui cũng chẳng có. Bây giờ được vậy, tui không còn ước ao gì nữa. Rất cảm ơn chương trình”. Ngoài chăn nuôi dê, nhà anh còn kiêm luôn “đại lý” rửa xe với bộ máy bơm nước vừa tậu được. Tính ra, một lần rửa xe cũng mua được dăm ba kí gạo. Phải nói tinh thần của hai vợ chồng giờ đây lên rất cao và quyết tâm lắm.
Tạm chia tay anh Liêm, chúng tôi ghé thăm nhà chị Hồng. Ngôi nhà có hai vợ chồng và ba đứa con. Tài sản lớn nhất họ có được chỉ là một con bò cái. Đời sống khá chật vật, khó khăn. Sau khi được sự hỗ trợ từ chương trình, nhà chị có thêm một chú bò. Hiện tại, “cặp đôi vàng” đã cho ra đời hai nàng bê 6 tháng tuổi cộng thêm một con bò mua lại từ người bà con, tổng cộng là năm con. Kinh tế gia đình nhờ thế cũng khấm khá hẳn ra. Chị cũng an tâm để Phương Anh, Sang, Trọng (3 người con) đến trường. Chị cười nói: “Giờ nhìn ba đứa nó được đi học như mọi người, chị và anh vui lắm. Cứ tưởng sẽ không làm được nhưng không ngờ.”
Trên đoạn đường đi, Bác T chia sẻ: “Con thấy đấy. Số tiền 15 triệu quả thật không lớn, thậm chí nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng từ thiện số tiền này cho các hộ dân. Tuy nhiên, nếu làm vậy sẽ vô tình làm mất đi cái ý chí vươn lên của họ – vốn là đặc tính cơ bản trong con người.”.
Giải thích thêm về giá trị dự án, bác nói: “Việc hoàn vốn định kỳ còn mang ý nghĩa giúp cho người dân làm quen với mô hình tiết kiệm bỏ ống. Nếu hỏi mỗi tháng có trả được 300 ngàn không thì người ta lúng túng, phân vân. Nhưng nếu chỉ hỏi mỗi ngày có cố gắng bỏ ống 10 ngàn không thì gia đình nào cũng nói “được”. Bởi thế, tác dụng dự án không chỉ giúp cho bà con tập trung phát triển kinh tế gia đình mà còn xây dựng thói quen tiết kiệm của các hộ dân.”
Vốn là một người hòa đồng, Bác T còn đùa bảo: “Dự án người ta làm 1, 2 năm, cao nhất cũng 10 năm rồi thôi. Còn dự án của bác làm cả đời vẫn chưa xong. Haha”
Nghe xong, tôi chợt thấy quy mô của cái dự án này tầm cỡ biết bao. Tầm cỡ không phải vì cái giá trị vốn huy động người đời thường nhắc đến. Mà ở đây tôi muốn nói tới các giá trị dự án đem lại. Đó là một minh chứng cho câu nói bất hủ: “Hãy cho họ cần câu, chứ đừng cho con cá.” Là một sự khích lệ cho tinh thần thoát nghèo. Là một cơ hội nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn. Và cuối cùng cũng là từ thiện nhưng thông điệp mà các mạnh thường quân gửi đi thật mạnh mẽ và ý nghĩa biết bao. Tôi cam chắc rằng dự án Giảm nghèo sẽ còn tiến xa và làm được nhiều điều hơn nữa.
Kết
Trong cuộc sống, có rất nhiều cách giúp đỡ mọi người. Bớt một phần chi tiêu nhằm cho ai 1 hộp cơm, 1 bữa ăn cũng gọi là giúp. Thế nhưng, với cá nhân tôi, quan trọng nhất không phải là bạn giúp được bao nhiêu con người mà là bạn khiến bao nhiêu cuộc đời thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn.
Hy vọng dự án Giảm Nghèo sẽ gặt hái được nhiều thành công trên con đường thực thi sứ mệnh ở phía trước. Chúc các hộ dân tham gia ở Bến Tre và Tây Ninh cuộc sống ngày càng khấm khá, sung túc, kinh tế ngày càng vững mạnh.
Các bạn hoặc cá nhân nào có điều kiện tham gia hoặc quan tâm đến dự án, xin tham khảo trang Fanpage Dự án giảm nghèo – Charity Fund for Poverty Reduction để biết thêm chi tiết nhé!