Một trong những nỗi đau khổ lớn trong cuộc sống là khi một người khi làm một việc gì đó dù biết sai nhưng không có cách nào khác, vẫn phải làm vì mưu sinh. Lúc ấy, trong họ là cả một sự đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt mà cái xấu tạm chiến thắng, là một nỗ lực tuyệt vọng để vươn lên nhưng bất thành.
Những hộ dân ở thôn Ma Đanh(thuộc xã Tu Tra, Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), do chưa có kiến thức về nông nghiệp Hữu cơ cộng thêm sự nghèo khổ bám lấy cuộc sống của họ từ bao nhiêu năm nay, cho nên muốn tìm lối thoát bằng đường sử dụng hóa chất đầy nguy hiểm. Chính họ cũng nhận thức được các tác hại khôn lường ấy qua từng tế bào trên cơ thể. Nhưng làm thế nào khi những sản phẩm hữu cơ họ hết lòng chăm sóc mà chất lượng kém, không bán được giá, làm sao lo cho đàn con nhỏ ở nhà vẫn đang tuổi ăn học. Điều đó trói buộc họ ở lại cái vòng xoáy “cám dỗ” mà thực ra những con người này luôn khao khát được thoát ra.
Người ta có câu: “Có tìm rồi sẽ gặp, có tin rồi sẽ thấy”. Một cơ hội “chuyển mình” cũng đã tìm đến với họ : Chúng tôi đưa tới đó Dự án Rau sạch ProCi – Một dự án với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời đảm bảo nguồn tiêu thụ cho các hộ dân canh tác theo loại hình nông nghiệp Hữu cơ.
Theo chân các thành viên của dự án, tôi đến Thôn Ma Đanh, nơi có 5 hộ dân người Chu Ru đang tham gia chương trình. Cả nhóm được nếm mùi khó khăn ngay từ những bước chân đầu tiên sau khi rời xe trung chuyển. Một con đường đất đỏ nhầy nhụa, “tô điểm” thêm vô vàn những ổ gà, ổ voi mà xe tải vô tình để lại. Bù lại, chúng tôi được những người dân miền đất này đón tiếp rất nhiệt tình và thãn thiện. Không cờ hoa khẩu hiệu, chỉ có những ánh mắt rạng ngời hy vọng, những nụ cười tỏa nắng khiến “phái đoàn” cảm thấy vô cùng ấm lòng.
Sau khi ổn định hành lý và chỗ ở, mọi người cùng nhau xem qua khu vườn hữu cơ của mẹ Sam. Người dân Churu thường gọi nhau bằng tên của con (Mẹ/ ba của con). Một cách xưng hô nghe thật dễ thương, các bạn nhỉ!
Ngắm nhìn vườn rau hữu cơ xinh xinh, dù diện tích và năng suất vẫn còn khá khiêm tốn., lắng nghe tâm sự của các mẹ, tôi mới thật sự thấu hiểu hoàn cảnh những người dân ở đây. Mẹ Sam nói: “Ở thôn, người dân toàn dùng phân thuốc hóa học. Chị cũng biết nó độc lắm. Nhưng giờ không phun thì côn trùng nó tới, rồi rau quả nó hư hết. Mà tiền phân, thuốc cũng đắt lắm. Trước đây, tính ra một tháng sau khi trừ hết các chi phí, nhà mẹ thu nhập được 3 triệu/ tháng. Cả gia đình cũng muốn trồng theo phương pháp tự nhiên lâu rồi nhưng không ai chỉ cách cho. Cũng trồng thử mà cây nó không lên, mà có lên thì cũng không tốt, bán không ai mua.”
Càng tìm hiểu sâu hơn, tôi càng hiểu chi tiết hơn về thực trạng nơi đây. Nghe xót xa lắm. Tình trạng thương lái ép giá, người dân thường xuyên phải lâm vào tình trạng bán chịu. Lúc được giá thì chả mấy khi, còn lại thì toàn giá “rẻ như cho”. Rau quả không thu hoạch cũng già, cũng sẽ vứt đi nên đành bán lỗ thành ra không đủ hoàn vốn. Lỗ một vụ thì các hộ dân còn xoay xở được, trông đợi vụ sau nhưng hai rồi ba vụ liên tiếp thì cảnh nợ nần là điều không tránh khỏi. Bằng chứng là mẹ Sam đã nợ ngân hàng 20 triệu nhưng vẫn loay hoay chưa tìm được giải pháp.
Để chúng tôi hiểu thêm về tình hình canh tác tại thôn, mẹ dẫn cả đoàn đến những cánh đồng phun thuốc. Trên đoạn đường đi, hàng tá những chai lọ nằm vương vãi dọc bờ đê, thậm chí nhiều chai còn chưa sử dụng hết. Nếu nói những gì tôi thấy đó là những cánh đồng xanh mướt và…thuốc phun trắng trời, chắc nhiều bạn sẽ chẳng tin? Nhưng thật đấy, cảnh tượng ấy chỉ cách chúng tôi có vỏn vẹn 400m thôi. Vừa đi, mẹ Sam vừa tâm sự: “Ngày trước, chồng chị cứ hễ đi phun thuốc về thì đau đầu kinh khủng, tay chân nứt nẻ, tóc thì xơ cứng lên hết. Nhìn chồng vậy, chị đau lòng lắm. Nhưng không làm thì gia đình chắc chết mất.” Ngoài ra, đấy mới chỉ là thuốc trừ sâu thôi, còn chưa nói đến các loại tăng trưởng và bảo quản nha. Hãy tưởng tưởng, nếu tất cả chúng đồng loạt xâm nhập cơ thể sẽ còn nguy hại đến mức nào nữa.
Nhớ lại lúc tham gia dự án, không dấu được niềm vui, mẹ nói: “Thật sự, khi được làm những việc mình muốn, chị cảm thấy thoải mái lắm. Không phải nghĩ ngợi đến hóa chất nữa. Cũng an tâm vào sản xuất hơn vì các bạn đã giúp tiêu thụ rau rồi. Đây thực sự là một phép mà Thiên Chúa dành cho gia đình của chị.”
Nghe được những chia sẻ đầy cảm xúc từ mẹ Sam, cả đoàn hạnh phúc lắm. Dường như nó đã tiếp cho mọi người rất nhiều động lực và niềm thêm tin vào dự án.
Dự án Rau sạch – Một dự án xây dựng các giá trị nhân văn
Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo đầu ra, dự án còn hướng đến những giá trị nhân bản của con người, với mục đích giúp các hộ dân tham gia có điều kiện làm người tử tế, sống tốt, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Thông qua việc nhận thức được tác hại của hóa chất và nguồn rau ô nhiễm, họ sẽ quyết tâm đeo đuổi nền nông nghiệp Hữu cơ. Và cuối cùng họ trở thành những công dân chuyên nghiệp – cả về kiến thức lẫn nhân cách.
Khi được hỏi về dự án, chị Tuyền – một thành viên nòng cốt cười nói: “Đến với dự án là một cái duyên, vì cả chị và dự án đều có một điểm chung là muốn giúp mọi người trở về đúng bản chất tốt đẹp trong sâu thẳm con người. Thú thật, nhìn vào khao khát được chuyển mình của các hộ dân. Chị tin họ sẽ làm được. Và chị sẽ cùng với các bạn trong dự án biến ước mơ đấy thành hiện thực.”
Kết
Thất bại chỉ đến khi chúng ta ngừng cố gắng. Yorganic! hy vọng Dự án Rau sạch sẽ tiếp tục mãi không ngừng trong hành trình “cảm hóa” con người phía trước nhé.
Nếu các bạn quan tâm và muốn đóng góp chút sức lực của bản thân nhằm xây dựng một cộng đồng sống TỬ TẾ, đừng ngần ngại truy cập vào fanpage của Dự án Rau sạch nha.
Chặng đường đến với một Công dân chuyên nghiệp chẳng còn xa nữa đâu!