Gia đình: Xưa và Nay

by Mr. Green - September 26, 2017

 

Người Việt Nam mình có truyền thống đẹp coi trọng tình cảm gia đình, yêu kính và nghe lời cha mẹ. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, ai cũng thuộc lòng câu ca dao:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Bởi thế ngày xưa “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, đố ai dám làm trái ý cha mẹ, sợ mang tiếng bất hiếu. Vạn vật xoay vần, thời thế đổi thay, cuộc sống và con người cũng vậy. Lẽ đương nhiên, các giá trị văn hóa và xã hội cũng thay đổi và phát triển phù hợp với mỗi thời đại, cho dù thế hệ đi trước có cố gắng bảo tồn và cổ súy những khái niệm được coi là văn hóa truyền thống tới đâu chăng nữa.

Trong xu thế toàn cầu hóa, mở cửa và giao lưu với văn hóa thế giới, thêm vào đó sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông qua Internet, lớp trẻ háo hức đón những làn gió văn hóa mới từ phương Tây: cách sống và cách suy nghĩ tự do, tự lập, nam nữ bình đẳng, quyền lợi và nghĩa vụ mỗi thành viên trong gia đình v.v.  Cha mẹ cảm thấy mình mất dần quyền kiểm soát và quyết định mọi việc. Không có gì lạ là những năm gần đây, mối quan hệ ông bà, cha mẹ và con cái, cũng như tình cảm gia đình có những biến đổi không nhỏ.

 

Mời mọi người cùng đọc một chia sẻ cá nhân của một bạn gái về cách bạn ấy nhận thức vấn đề hôn nhân của thế hệ mới nhé:

“Đối với ba mẹ tôi, việc lập gia đình, kết hôn, có con, hy sinh vì con cái là lẽ tự nhiên, là một trách nhiệm với tạo hoá. Ba mẹ làm vậy để làm hài lòng gia đình – như một cách bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, cũng như việc cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi đó. Tình cảm, lòng trung thực, phẩm giá con người là quan trọng nhất, đồng tiền và những thứ khác đến sau. Còn tôi, 20 tuổi đầu đã tính đến chuyện cả đời độc thân, không muốn lấy chồng, và chả muốn sinh con. Lý do cá nhân thì thực sự chả có gì phức tạp cả. Ba mẹ tôi đã hy sinh tất cả vì tôi, từ việc ăn học đến giờ ăn giấc ngủ, mặc dù gia đình tôi không giàu, chưa bao giờ làm tôi cảm thấy mình đang thiếu thốn bất cứ thứ gì. Vì bản thân tôi là con gái, lại thêm mác con một, nên cái lý lẽ cho việc sinh con gái là mất con bởi sẽ phải theo chồng là một cái quan niệm khó hiểu, và có phần….khó chịu! Tôi được ba mẹ nuôi nấng, dạy dỗ hơn chục năm, và nếu cứ tiếp tục sống theo cái quan niệm bất bình đẳng giới tính như thế, ai lo cho ba mẹ tôi cơ chứ? Tôi muốn được lo cho ba mẹ, chăm sóc ba mẹ như cách ba mẹ đã làm với tôi, tại sao tôi lại phải hy sinh điều đó để thực hiện một cái ‘nghĩa vụ’ như thế nhỉ? Tôi không muốn thể hiện lòng hiếu thảo đối với gia đình bằng cách thể hiện sự lo lắng, quan tâm với…nhà người ta. Tôi có thể tự kiếm tiền, lo cho bản thân và ba mẹ tôi bằng chính sức mình trước. Rồi sau đó hãy tính. Và việc sinh con, ngoài vấn đề kinh tế ra, nghĩa vụ của phụ huynh bây giờ thực sự đã thay đổi rất nhiều. Không còn là một điều đương nhiên, giống như ‘trời sinh voi sinh cỏ’ nữa. Thay vào đó là sự chuẩn bị cho các bước ngoặt nhỏ đến lớn – ngủ riêng hay ngủ chung? Tạo tính tự lập từ bé hay là săn sóc kĩ càng? nào là cách dạy con theo xì-tai tâm lý học với mức độ nghiêm khắc khác nhau đối với tính cách em trẻ khác nhau? Cho bao nhiêu ‘tự do’ là đủ? Có nên nghiêm trọng hoá kết quả học tập? Môi trường học tập như thế nào là thích hợp, sự thích nghi của bé với bạn học ra sao? Cái danh sách dài ơi là dài! Để trở thành một người mẹ ‘tốt’ thật không dễ với những sự mong đợi của bản thân và mọi người xung quanh. Tôi thực sự ngưỡng mộ mẹ tôi (cũng như các bà mẹ khác) với cái thành tích nuôi nấng tôi như thế, vì nếu là mình, tôi thực sự không thể tưởng tượng nỗi khi nào mình sẽ sẵn sàng để làm một điều to lớn – quyết định những việc to lớn, ảnh hưởng đến sinh mệnh một con người khác như thế.”

Đấy, rất cá tính phải không các bạn? Tuy nhiên, liệu ba mẹ chúng ta có hiểu cho những suy nghĩ như vậy. Cũng chính vì thế, Yorganic! mong muốn tạo ra những dịp để những người lứa tuổi khác nhau chuyện trò, chia sẻ, bàn luận với nhau về lối sống, các giá trị tinh thần và những chuẩn mực xã hội theo quan niệm của mình. Khi hiểu nhau hơn, chúng ta sẽ thông cảm và đồng cảm với nhau hơn.

Đề tài cuộc thảo luận sắp tới là đề tài muôn thuở: Gia đình, xưa và nay. Và lí do thì chắc ai cũng hiểu rồi phải không – Khoảng cách giữa các thế hệ trong thời buổi hiện nay ngày càng lớn. Vì đâu nên nỗi? Hãy đến buổi thảo luận của Yo! để tìm câu trả lời các bạn nhé.

Hẹn gặp lúc 15h – T7 (30/09) tại Cà phê Sài Gòn Xưa nha mọi người.

 

Nguồn trích dẫn:

West’s Encylopedia of American Law. (2017). Parent and Child.

http://www.encyclopedia.com/social-sciences-and-law/law/law/parent-and-child

 

Mintz, S. (2015). How Parents- Child Relation Has Changed?

https://www.psychologytoday.com/blog/the-prime-life/201504/how-parent-child-relations-have-changed

 

 

Sign up for our weekly news about eco-cult

Có thể bạn sẽ thích

Top
Message Us