Học giỏi, lợi hay hại?

by Mr. Green - August 19, 2017

Có thể kết luận rằng, trong vũ trụ này, điều kì diệu nhất vẫn là kiến thức. Tiền bạc, giải trí, thậm chí các nhu cầu cơ bản, tất cả đều có thể trở nên nhàm chán sau một thời gian. Tuy nhiên, kiến thức thì không. Những cơ hội khác nhau nó mở ra là vô hạn. Khi còn thời niên thiếu, người học chăm là kẻ thường nắm giữ nhiều kiến thức, và thường được ví với những đức tính tích cực. Tương tự như trên, học giỏi mở ra những tương lai sáng sủa hơn, điển hình như cửa đại học, nghề nghiệp mơ ước, và nhiều thứ khác nữa. Có lẽ vì những hình ảnh này mà rất nhiều học sinh muốn học để trở nên xuất sắc. Tuy nhiên, liệu ép mình chăm chỉ có thực sự giúp ích cho tương lai mai sau, hay chỉ có tác dụng khiến ta ngày càng mỏi mệt?

Trong cuộc đời của nhiều người, có lẽ, việc trở nên thành đạt là điều mà ai cũng sẽ nhắm tới. Dù kẻ đó bắt đầu là người giàu hay nghèo, không quan trọng. Sự thành đạt sẽ là cái bằng chứng nhận ta là người chăm chỉ, nỗ lực và trên hết, có trách nhiệm với những gì mình làm. Trước tiên, bước đầu của sự thành đạt là phải có công ăn việc làm. Theo thống kê của bộ giáo dục Mỹ, tỉ lệ thất nghiệp năm 2010 của những học sinh chưa hoàn thành trung học phổ thông nhiều gấp ba lần những ứng cử viên đã  hoàn thành đại học hoặc đã có bằng cử nhân. Ngoài ra, những ứng cử viên cho một nghề nghiệp với tấm bằng đại học trong tay có thể có lương bổng cao hơn, vì bằng cấp thường được coi là đồng nghĩa với nhiều kinh nghiệm. Bộ kinh doanh, đổi mới và kỹ năng của Anh thống kê rằng trung bình đàn ông với bằng đại học nhận được hơn 28% số tiền những người không có, dù vẫn làm một công việc tương tự nhau. Ở phụ nữ, chỉ số này lên đến 53%. Cho dù nhiều người vẫn có thể so sánh một kẻ tốt nghiệp đại học với một người nghỉ học giữa chừng đều có thể thông minh như nhau, tuy nhiên, đồng tình với việc học giỏi hay không, không ai có thể phủ nhận người thứ nhất rõ ràng là có nhiều cơ hội hơn trong đời. Có thể hoàn toàn kết luận rằng càng có nhiều học thức, càng được nhiều thành tích, ta càng dễ kiếm sống về sau.

 

 

Quan trọng không kém, con người không thể trải qua tất cả chướng ngại của đời mà không có một trụ cột. “Một mình chúng ta có thể đạt được quá ít, nhưng đoàn kết chúng ta có thể đạt được nhiều điều thật vĩ đại”, Helen Keller, một nhà văn mù người Mỹ đã nói. Trên con đường của mình, chúng ta đã nợ rất nhiều người, dù ta có ý thức được điều đó hay không: ba mẹ đóng một số tiềng khổng lồ cho ta đi học, bạn bè động viên, giúp đỡ ta. Phí phạm những lòng tốt vô giá đó mà không tận dụng nó đúng cách là không phải đối với họ, và với chính chúng ta. Khi ba mẹ, bạn bè quý mến ta và tương trợ, họ mong mỏi chúng ta trân trọng sự giúp đỡ đó. Để đền đáp những công ơn vô giá này, chỉ có con đường học cho thật giỏi, để mai sau mình có một tương lai tốt, để đứng trong cái hoàn cảnh có thể giúp lại những người đã cực khổ vì ta.

 

 

Tuy có rất nhiều lý do để chúng ta phải phấn đấu hết mình để học giỏi, phía trái chiều vẫn tồn tại. Có nhiều học sinh thường tư vấn rằng để trở thành một học sinh xuất sắc không có gì khó, chỉ cần hứng lên làm việc không đến nỗi nặng nhọc lắm. Tuy nhiên, không ít những học sinh giỏi vẫn thường xuyên bỏ học giữa chừng, hoặc từ bỏ việc cố gắng thêm chút nữa mà không có lý do chính đáng. Theo một góc nhìn khác, việc này hoàn toàn hợp lý. Khi bắt đầu cố gắng, ta cảm thấy khá nhẹ nhàng, nhưng dần dà, áp lực ngày trở thành một gánh nặng ngàn cân. Không chỉ sức lực bình thường, mà tinh thần của học sinh cũng có thể bị đánh gục, nhất là ở hai tuần trước khi thi, khi mà ôn tập ngộp thở nhất. Như vậy mới rõ là trở thành một học sinh giỏi thì không khó, nhưng giữ gìn danh hiệu đó chẳng phải là dễ, hay ngắn gọn hơn, nói thì dễ nhưng làm thì khó.

 

 

Ở một góc nhìn tương tự như trên, không thể bỏ qua sự thật là học tập chiếm rất nhiều thì giờ. Một học sinh đại học trung bình dành 25 tới 35 giờ đồng hồ mỗi tuần để tập trung vào việc học. Giải trí hay các thú vui tiêu khiển khác, có thể không vô bổ như những gì mọi người thường chỉ trích. Tuy nhiên, trong thực tế, nó chính là thứ giúp chúng ta thư giãn, yêu đời hơn và muốn sống tiếp tục hơn. Khi tuổi xuân vẫn đang tươi cười nhất đối với mình mà đốt hết thời gian đó vào những con chữ nhàm chán, mà bỏ bê các giá trị sống khác cũng không phải là ý kiến tốt nhất.

 

 

Theo một góc nhìn khách quan, có được một thành tích xuất sắc rất thiết yếu cho một đời sống dễ thở hơn mai sau, và cũng giúp những người ta quý mến yên tâm hơn. Tuy nhiên, tập trung vào một thứ gì đó quá lâu cũng không phải là tốt, vì nếu như vậy, chúng ta chỉ có thể có được một góc nhìn nhỏ hẹp. Cân bằng cả hai, học lẫn giải trí, chính là cách ta có thể hiệu quả bỏ qua những điểm yếu này. Hãy mở rộng con đường tương lại của ta, nhưng đừng tra tấn ta của thực tại.

Sign up for our weekly news about eco-cult

Có thể bạn sẽ thích

Top
Message Us