Tại sao lại phải ‘một ngày ba bữa’?

by Mr. Green - May 21, 2017

Có một lần, vì lười đi ra ngoài mua đồ ăn sáng, mình lục tủ lạnh xem có gì để ăn không. Trong ngăn mát có phần gà chiên còn thừa, thấy vậy mình liền đem hâm nóng rồi ăn nhanh cho kịp giờ đi học. Cùng lúc ấy, mẹ bước xuống bếp, nhìn mình đang gặm mấy miếng gà liền nhăn mặt: ‘Ai sáng sớm lại ăn gà rán?!’

Mình thì lại tự hỏi: ‘Sao sáng sớm lại không được ăn gà rán?’

Thật vậy, từ khi nào mà ăn sáng là phải ăn phở, ăn ngũ cốc, uống nước trái cây, ăn bánh mì? Ăn trưa thì ăn cơm? Ăn tối thì ăn lẩu, ăn kem, ăn thịt nướng?

Chung quy lại, từ khi nào xã hội loài người ăn ba bữa một ngày? Và ai là người quyết định ăn gì trong mỗi bữa ấy?

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Carolie Yeldham, người Roma cổ đại chỉ ăn một bữa trong ngày; vào lúc giữa trưa hoặc chập choạng tối. Theo quan điểm của người Roma, ăn nhiều bữa là sự thể hiện tính háu ăn của những người không có phép tắc hoặc học thức.

Còn đối với người Việt Nam trong giai đoạn phong kiến, như nhà văn Nguyễn Văn Chương từng phát biểu ‘Tối đi ngủ ăn làm gì’, việc ăn ba bữa một ngày từng là một điều ‘hoang tưởng’ cho tầng lớp nông dân lao động. Khi ấy, khoảng thời gian từ hai giờ sáng đến năm giờ sáng là thời gian dùng bữa của người Việt, và cũng như người Roma, một bữa ăn được cho là đã đủ cung cấp năng lượng.

Thêm nữa, theo ghi chép của các nhà thám hiểm Anh vào giai đoạn thế kỷ 15, các bộ tộc da đỏ châu Mỹ bản địa vốn ăn trái cây, lương phẩm theo mùa; chỉ ăn khi đói và rất hay nhịn ăn. Điều này càng củng cổ cho quan điểm: con người không nhất thiết phải ăn ba bữa. Khái niệm ‘ba bữa một ngày’ phải chăng chỉ là sản phẩm văn hóa được lan truyền rộng rãi.

Vậy nét văn hóa ấy bắt nguồn từ đâu?

Sự ra đời của ‘một ngày ba bữa’

Vào thời kỳ Trung Đại, con người dựa vào ánh sáng tự nhiên để xác định thời điểm ra đồng làm việc. Hầu hết người châu Âu cổ đại đều bắt đầu ngày mới rất sớm, khi ánh dương mới hồng chân mây, kết thúc việc đồng khi không còn đủ ánh sáng và đi ngủ khi trời chập choạng tối. Chính vì ngày làm việc khá ngắn nên các nước châu Âu vẫn duy trì phong tục ăn uống của thời Roma. Tại Anh, người ta dùng đúng một bữa gọi là ‘dinner’, từ có nguồn gốc từ chữ ‘dine’ có nghĩa là ‘một bữa ăn thịnh soạn’. Phong tục ăn thời kỳ này bao gồm những món ăn được đầu tư rất công phu, bằng chứng là các đầu bếp của những gia đình quý tộc phải bắt đầu chuẩn bị ‘dinner’ từ lúc sáng sớm. Bữa ăn chính thường có ba thành phần: khai vị (các loại trái cây), món chính (thịt ăn cùng với bánh mì) và tráng miệng (các loại thực phẩm có chất đường).

Đến đầu thế kỷ 17, khi con người bắt đầu thực hiện việc trồng trọt với quy mô lớn, một bữa một ngày không đủ để cung cấp năng lượng cho những người nông dân. Để tránh việc đói lả ngoài đồng, nhiều người đã đem theo một ít đồ ăn tiếp sức để làm việc vằ dằn bụng trước bữa ăn chính vào tầm chiều. Vì món ăn mang theo thường là bánh mì kẹp thịt, gọn nhẹ nên từ ‘nucheon’-phần ăn nhỏ gọn- được dùng để miêu tả cử ăn ấy. Nhiều nhà sử học cho rằng đây chính là cột mốc ra đời của từ ‘lunch’-‘bữa trưa’.

Khi các loại đèn dầu đầu tiên được cho ra đời (giữa thế kỷ 17), thời gian sinh hoạt của con người được kéo dài hơn vào buổi đêm. Bữa ăn chính thịnh soạn được dùng trễ hơn trong ngày; nghĩa là ‘dinner’ chính thức được dùng vào buổi tối. Đây cũng là giai đoạn tại các nước Anh, Pháp, Ý, văn hóa tiệc đêm bắt đầu bùng nổ. Người ta chơi bài, thưởng thức rượu, khiêu vũ cho đến tận sáng. Có những gã tay chơi –những người không bao giờ bước ra khỏi phòng tiệc trước khi mặt trời ló dạng- thường hỏi xin chủ tiệc thêm thức ăn trong khi say sưa tán tỉnh các cô đào trẻ. Việc này được tái diễn liên tục, cho đến khi thuật ngữ ‘break it fast’- tiền thân của từ ‘breakfast’ được dùng để ám chỉ những bữa ăn vào sáng sớm của các ‘bịm nhậu’. Tại một số gia đình quý tộc, để khoe trương độ giàu có và tỏ lòng hiếu khách, cử ăn ‘break it fast’ được bày biện quy củ như bữa ăn chính, có khi lên đến 24 món trên một bàn. Dần dà, bữa ăn sáng trở thành một nét văn hóa của giới thượng lưu, các gia đình bắt đầu xây thêm phòng ăn sáng trong dinh thự của mình.

Truyền thông: kẻ nói người ta phải ăn cái gì!

Thế kỷ 19 bùng nổ với các cuộc cách mạng công nghiệp khắp châu Âu. Người ta dường như thức dậy cùng một múi giờ, làm việc cùng một khoảng thời gian và ra về nhà gần như cùng lúc. Đi kèm với sự thay đổi này là sự điều chỉnh thời gian dùng bữa sao cho phù hợp với thời gian làm việc của mọi người, hay nói nôm na là ‘một ngày ba bữa’ thời hiện đại ra đời. Bữa sáng trở thành bữa ăn nhẹ của ngày; cha mẹ, con cái dùng một bữa ăn nhanh trước khi cùng nhau đi học, đi làm. Bữa trưa được dùng nơi công sở; các nhà máy thường có một khu vực ăn uống cho công nhân để đáp ứng nhu cầu nạp năng lượng nửa ngày một cách tiện lợi. Để tối ưu hóa việc sử dụng thời gian, bữa trưa cho công nhân thường khá ngắn nên các món ăn tiếp tục nằm vỏn vẹn trong từ ‘nucheon’. Bữa ăn chính vẫn là bữa tối, khi gia đình tụ họp xum vầy, dùng những món ăn được chuẩn bị trang hoàng và chia sẻ những câu chuyện ‘ngày của tôi’ với nhau.

Văn hóa ‘ăn tối’ càng được nhấn mạnh qua những chương trình truyền hình đầu tiên. Hình ảnh ‘Sunny’ mang một chiếc tạp dề, duyên dáng hướng dẫn các chị em nội trợ cách chăm sóc gia đình qua việc chuẩn bị ‘bữa tối tốt lành’ gần như in sâu vào tiềm thức của người phương Tây. Còn về chuyện ‘sáng chỉ nên ăn ngũ cốc và uống nước trái cây’; lối suy nghĩ này thật chất được khởi xướng và lan rộng bởi các nhà quảng cáo…ngũ cốc và nước trái cây tại Mỹ. Vào đầu thế kỷ 20, hàng loạt những chuyên gia dinh dưỡng cho ra đời những bài báo cáo ủng hộ cho việc chứng minh ‘bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất ngày’. Các chuyên gia chính phủ cũng có những bài phát biểu kêu gọi người dân nên dành nhiều thời gian cho việc ăn sáng. Những hộ gia đình bắt đầu chú trọng việc chọn thực phẩm cho bữa ăn đầu ngày, và theo một nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, doanh thu của các hãng ngũ cốc, nước hoa quả tăng đáng kể trong những năm 1950.

Kết

Chung quy, ‘ba bữa một ngày’ là nét văn hóa được lan truyền rộng rãi bởi xã hội phương Tây. Thêm nữa, các bài báo cáo gần đây của American Health Center cho rằng: Về mặt sinh học, không có số bữa ăn và giờ ăn tiêu chuẩn nào cho cơ thể con người. Bạn có thể ăn ba bữa, bốn bữa, sáu bữa tùy thích, miễn là số cử ăn phù hợp với cơ địa và công việc của bạn. Cũng chính vì ‘ba bữa một ngày’ không là nhu cầu thiết yếu của con người, một số chuyên gia dinh dưỡng cho rằng khi bỏ một cử ăn, cơ thể con người sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Như các nghiên cứu của đại học Bath (Anh quốc), tốt nhất là chỉ nên ăn khi cơ thể cảm thấy đói, việc đồng hồ chỉ mấy giờ không thực sự quan trọng trong việc quyết định ‘ăn hay không’.

Vậy nếu lần sau, khi bạn muốn thuyết phục mẹ bạn ăn gà rán vào buổi sáng, đừng quên chia sẻ bài viết này cho các mẹ nhé!

Trích nguồn bài tham khảo:

Denise.W. (2012). Breakfast, lunch and dinner: Have we always eaten them?

http://www.bbc.com/news/magazine-20243692

Arden.D. (2015). The controversial history behind eating three meal a day.

http://www.foxnews.com/food-drink/2015/03/06/controversial-history-behind-eating-3-meals-day.html

Samantha.O. (2015). Medical daily: How 3 meals a day became a rule and why we should be eating whenever we get hungry instead.

http://www.medicaldaily.com/how-3-meals-day-became-rule-and-why-we-should-be-eating-whenever-we-get-hungry-324892

Sign up for our weekly news about eco-cult

Có thể bạn sẽ thích

Top
Message Us