Sinh viên và ăn sạch, có khả thi không?

by Mr. Green - September 29, 2017

Thời trung học, tôi rất ít khi được cho phép ăn vặt hay tấp vào những gánh hàng rong hoặc xe đẩy bên đường để mua ly trà sữa, những xiên que cá viên, tôm viên,…với cái giá phải nói là rất ư hạt dẻ. Do đó, tôi luôn mong được vào đại học để được sống xa nhà, sống một cuộc sống tự do tự quản. Thế nhưng, tôi đã sớm nhận ra đó là ước muốn gây ra những sai lầm của đời mình.

Là sinh viên, tôi phải chi trả cho tất cả sinh hoạt. Nào là tiền học, tiền nhà cửa, tiền đi lại… rồi còn một khoản tiết kiệm đề phòng nữa chứ. Cuối cùng mới nghĩ đến việc ăn uống và chơi bời. Do đó, tôi thường mua trà sữa 15k, bánh tráng trộn tại những gánh hàng rong thay thế cho các bữa cơm hằng ngày. Thời gian đầu, cuộc sống đấy khá thú vị vì phải công nhận là, món ăn lề đường rất ngon, nhiều và cũng rất rẻ nữa! Bánh tráng nướng, phá lấu, chè, bột chiên, thịt xiên nướng,…thơm nức mũi, ai mà không thèm cơ chứ. Thế là tôi lấy gần hết số tiền tiết kiệm để “ăn sạch Sài Gòn”. Cứ ăn như thế thì rồi cũng sẽ béo, tăng cân dầu thiếu dinh dưỡng, cholesterol xấu tăng cao, tiền xăng đi lại rất hao, mất tập trung, trong đầu lúc nào cũng nghĩ tới ăn gì ở đâu thành thử không tài nào học nổi.

Ngoài ra, ăn hàng rong nhiều còn gây ngộ đôc thực phẩm do không đảm bảo nguồn gốc an toàn, vệ sinh thực phẩm; dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần gây biên chất… Thực tế, chỉ nhìn bằng mắt thường, ai cũng thấy những đồ ăn chế biến trước cổng trường khó có thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồ ăn được luộc, chiên rán, hoặc nướng ngay tại chỗ, thậm chí tệ hơn – gần sát cống rãnh, nơi đổ rác, nước thải. Người bán hàng không có dụng cụ vệ sinh như găng tay, khăn lau, dụng cụ tráng rửa. Một hành vi rất phổ biến và ít được các bạn chú ý khác nữa là tay người bán sau khi nhận tiền, không rửa mà trực tiếp đụng vào đồ ăn. Việc này có gì khác cho vi khuẩn từ tiền gián tiếp đụng vào thức ăn của chúng ta?

Người ta thường nói rằng, cuộc sống sinh viên có muôn vàn cái thiếu. Thiếu thời gian, thiếu ăn, thiếu ngủ,…và đặc biệt là thiếu TIỀN. ‘Kinh tế’ thời sinh viên mà! Và để tiết kiệm tiền, hầu hết sinh viên chúng tôi thường chọn mì gói. Vì độ rẻ miễn bàn, trung bình chỉ 3000đ/gói thôi, và còn nhanh gọn lẹ nữa. Cuộc sống chúng tôi, ai cũng có những tháng ngày thăng trầm. Lúc ‘thăng’ thì ăn chơi rất hăng, tiêu tiền xả láng; nhưng tới chuỗi ngày ‘trầm’ thì không gì có thể tệ hơn. Chuỗi ngày của mì gói triền miên. Sáng mì, trưa gói, tối mì gói. Ai ‘sang’ hơn thì có thêm cái trứng hay một cây xúc xích. Thế đã là hạnh phúc lắm rồi! Thế nhưng, mì gói đâu có bổ dưỡng gì cho cam. Mì bị chiên trong nước dầu đen kịt, độc hại, nguy cơ gây ung thư rất cao. Ăn nhiều đồ chiên dầu còn khiến cơ thể thèm ăn vặt hơn. Vì thế, chỉ sau một thời gian, tôi biết mình phải thay đổi.

Đất nước ta có ưu điểm là rau xanh rất rẻ, nhiều và tươi tốt. Một bó rau cải hay rau muống chỉ giao động từ 10-15 nghìn đồng, có thể chia ra ăn được 3 bữa. Một phần ức gà lớn chỉ tầm 25 nghìn đồng, ăn được trong khoảng 4 bữa. Thịt gà, heo không hề mắc, và gạo cũng rất rẻ nữa. Vậy tính được trung bình 1 bữa ăn sẽ giao động từ 10-15 nghìn, đầy đủ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh, hoàn toàn tốt hơn việc ăn hàng rong và mì gói rất nhiều. Có thể sẽ tốn nhiều hơn là mì gói, nhưng nó tốt cho sức khoẻ chúng ta. Phòng còn hơn chữa, có phải không nào? Thông qua việc đi chợ, tự nấu ăn còn giúp ta hình thành tính tự lập và đồng thời biết cách quản lý chi tiêu chặt chẽ hơn. Ngoài ra, ăn nhiều rau xanh không những bổ sung chất xơ cho cơ thể mà còn giúp cải thiện đời sống của những người trót yêu cái nghiệp ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’. Ngoài ra, muốn sống khoẻ, không chỉ ăn sạch mà ta còn phải dành thời gian để tập thể dục một chút. Chỉ 30 phút mỗi ngày thôi cũng giúp bạn tốt hơn rất nhiều đấy.

Sau một khoảng thời gian ăn sạch sống khoẻ, tôi nhận ra thể trạng của mình đã cải thiện rất nhiều. Da sáng hơn, bớt thèm ăn đi,.. Như vậy, tôi có thể đảm bảo chắc chắn sinh viên có thể ăn sạch và bổ dưỡng với túi tiền hạn chế. Tôi đã làm và thành công, vậy còn bạn?

Sign up for our weekly news about eco-cult

Có thể bạn sẽ thích

Top
Message Us