Tại sao ăn hoài vẫn đói?

by Katty Do - May 26, 2017

Bạn có bao giờ gặp kẻ nào giống vầy ở đâu đó chưa?

Sáng gặp, nó ăn bánh mì. Tầm 10 giờ trưa, nó ăn snack. Chừng 12 giờ, mọi người đi dùng bữa, nó cũng đi theo. Thường thì nó ăn gấp rưỡi phần ăn tiêu chuẩn. 2 giờ chiều mới đến, (bất ngờ chưa) nó đã than: “Trời ơi, sao đói vậy nè!”

Lắm lúc mình nghĩ, những người có tình trạng này là thành phần ‘bụng không đáy’, béo phì lâu ngày quá rồi nên phải luôn miệng nhai nhai, nuốt nuốt. Nhưng một tháng đổ lại đây, cơ thể mình luôn trong tình trạng thiếu chất mặc dù mình ăn rất nhiều các món tiếp năng lượng. Các cơn thèm ăn đến rất kỳ lạ, có những khi ăn vừa mới xong thì đã cảm thấy…bụng trống rỗng. Mình đâm ghét cảm giác đói, nhưng không ăn thì không thể tập trung làm những việc khác được. Cho đến khi ăn liền…nửa ổ bánh ga tô trong buổi tối, thì mình thực sự cảm thấy cần làm gì đó với chứng đói này.

Thế trước hết phài làm gì?

Tìm hiểu nguồn gốc của cơn đói!

Theo trang BBC Wonder, khi lượng đường trong máu tụt giảm, hệ tiêu hóa sẽ tác động đến các hormone trong cơ thể để gửi những tín hiệu đến não bộ, khiến con người ý thức được rằng mình cần nạp năng lượng. Nói cách khác, cơn đói là tin nhắn nhắc chúng ta phải tìm thức ăn bỏ bụng để duy trì sự sinh tồn. Vì thế, đầu tiên là phải thôi ghét cơn đói! Nếu không có anh bạn truyền tin này, thì bạn và mình đều có thể lăn đùng ra ngất xỉu vì làm việc quá đà mà quên ăn.

Tuy nhiên, đối với một số cá thể, ‘tín hiệu đói’ không thực sự đáng tin cậy. Thông thường, sau khi ăn, hai hormone GLP-1, PYY sẽ gửi đến não bộ thông báo cơ thể đã nạp đủ năng lượng và việc này giúp chúng ta ngừng ăn. Sự thiếu hụt hai hormone trên khiến một số người gặp khó khăn trong việc cảm thấy no; nghĩa là não bộ luôn nhận ‘tín hiệu đói’ ngay cả khi ta vừa ăn xong phần gà rán cỡ lớn.

Hai anh bạn hormone Leptin và Ghrelin cũng chịu trách nhiệm cân bằng tình trạng đói no. Trong khi Ghrelin là kẻ khiến bụng kêu to, khơi dậy việc thèm ăn thì Leptin lại giúp ta ngăn chặn cơn đói. Còn đối với các bạn ‘thừa cân’, do hàm lượng chất béo tồn đọng cao nên hormone Leptin không thể thi hành nhiệm vụ của mình. Điều này dẫn đến việc cơ thể thiếu chất xúc tác cân bằng cơn đói do hormone Ghrelin gây ra. Thế nên những người béo phì thì lại rất mau đói và ngày càng dễ tăng cân.

Bên cạnh đó, loại thức ăn ta dùng cũng ảnh hưởng đến việc ta ‘no lâu, no mau’. Khi dùng các món có nhiều chất béo (thường chứa năng lượng cô đặc), não bộ sẽ cho rằng cơ thể hấp thu hàm lượng carlories ít hơn mức chúng ta thật sự đã nạp vào người. Điều này cũng diễn ra tương tự khi ta ăn các món liên quan đến ‘đường’, loại thức ăn khiến dạ dạy cảm thấy no ngắn hạn nhưng rất nhanh dẫn đến đợt hạ đường huyết tiếp theo. Đặc biệt khi ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột trong cùng một lúc (chẳng hạn như ăn nửa ổ bánh gato ☺), lượng glucose đi vào trong máu sẽ tăng đột ngột, kích thích hormone insulin chuyển đổi glucose thành chất béo dự trữ. Việc này lại giảm lượng glucose trong máu nhanh chóng, khiến cơ thể lại cảm thấy ‘thiếu đường’ và muốn ăn nhiều đồ ngọt hơn. Tóm gọn lại, ta rơi vào một bánh xe luẩn quẩn: đói – ăn – rồi lại đói – rồi lại ăn.

Trong khi đó các loại rau củ chứa chất xơ, do tác động đến hormone trong cơ thể, lại có thể khiến ta cảm thấy no lâu hơn. Các loại thức phẩm có chỉ số GI thấp như đậu, rau, củ, quả giải phóng năng lượng chậm hơn các loại thực phẩm có chỉ số GI cao như bánh mì, bánh gato. Đậu hay rau củ quả còn giúp anh bạn hormone Leptin ‘năng nổ’ trong việc ngăn chặn cơn thèm ăn. Ngoài ra, vì thực phẩm có chất xơ còn được gọi là hardfood (thức ăn lâu tiêu hóa) nên sẽ ‘yên vị’ trong bụng thời gian dài hơn và giúp ngăn chặn hiện tượng bụng trống.

Ngoài ra khi cơ thể trải qua sự căng thẳng, xì-trét, cảm giác thèm ăn sẽ càng đến thăm chúng ta thường xuyên hơn. Lý do thứ nhất: chuyện ăn uống trước đến giờ hay được gắn liền với những sự kiện vui vẻ như hội hè, tiệc tùng, đi ‘quẩy’ thâu đêm. Tiềm thức con người luôn ghi nhớ cảm xúc hưng phấn khi ăn, và tự tạo ra một ‘định lý’: ăn uống sẽ khiến chúng ta thấy ổn hơn và hết xì-trét. Lý do thứ hai: do các phản ứng phụ mà các hormone stress tạo ra trong cơ thể nên việc tiêu hóa diễn ra nhanh hơn thông thường. Và đặc biệt hơn nữa, khi ta cảm thấy căng thẳng, ta thường nghĩ đến việc ăn những món ngọt ngọt, như kem chẳng hạn.  Đó là bởi vì ‘đường ngọt’ là một chất xúc tác khiến cơ thể nhanh cảm thấy phấn khích (high) ngắn hạn. Cộng với việc tác động của các hormone, những người đối mặt với căng thẳng sẽ mau cảm thấy đói, ăn rất nhiều đồ ngọt và như đã nói phía trên, càng ăn nhiều đồ ngọt thì càng dễ đói.

Hậu quả của chứng mau đói này không chỉ dừng lại ở việc chúng ta sẽ dễ ‘thừa cân’. Vì no đói thất thường nên những người có chứng mau đói thường ăn ở những giờ không nhất quán; điều này rất dễ dẫn đến chứng đau bao tử, đi kèm là hệ tiêu hóa không ổn định. Chứng mau đói còn hay khiến cơ thể con người cảm thấy chột dạ và bụng thường kêu rất to, đánh trống ầm ầm. Với những người bị stress, khi việc ăn nhiều đồ ngọt nhưng vẫn không cảm thấy khá hơn thì sẽ chuyển sang hiện trạng không muốn ăn. Như vậy, cơ thể sẽ bị đẩy từ thái cực này qua thái cực kia, và cả hai đều không phải điều tốt lành gì cả.

Khi ý thức được vấn đề này, những ai đang cảm thấy mình có ‘cái bụng không đáy’ nên tìm cách kiểm tra các lượng hormone trong cơ thể hoặc tìm gặp trò chuyện cùng các chuyên gia dinh dưỡng. Các biện pháp trên sẽ giúp bạn tìm ra được nguyên nhân cho chứng mau đói và lên kế hoạch một bữa ăn dinh dưỡng phù hợp hơn. Nhưng cho dù thể trạng bạn có như thế nào đi nữa, thì việc hạn chế ăn đồ có chất đường/ chất béo, tăng cường việc ăn rau củ quả, năng tập thể dục để giảm thiểu căng thẳng – các biện pháp trên đều giúp bạn khắc phục được hiện trạng ‘bụng không đáy’.

Tóm lại, khi nhận tín hiệu ‘đói’, thay vì chạy thẳng đến tủ lạnh, ta hãy dừng vài phút để hỏi bản thân: “Mình có thực sự đang đói hay không?”

Tóm lại bài viết là về mấy thứ này nè:

  1. Những yếu tố sinh học khiến con người mau đói:

+ Hàm lượng hormone GLP-1 và PPY thấp

+ Với những người béo phì, hormone Leptin không hoạt động có hiệu quả ⇒ không ngăn được cơn đói tạo bởi hormone Gherlin

2. Thói quen sinh hoạt khiến con người mau đói

+ Ăn nhiều đồ ngọt/ đồ có chất bột đường/ đồ có chất béo

+ Không ăn rau

+Xì-trét triền miên

3. Thay đổi thói quen ăn uống có thể khiến ta hết chứng mau đói.

 

Nguồn trích dẫn:

(N.D). Why do I feel hungry.

http://www.bbc.co.uk/guides/zt22mp3

BT.com. (N.D.). Why am I always hungry?

http://home.bt.com/lifestyle/health/diet/why-am-i-always-so-hungry-6-reasons-youre-feeling-starving-11364009462163

Trần.N. (2016). Vì sao có nhiều người ăn hoài vẫn đói?

http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/dinh-duong/vi-sao-co-nguoi-an-nhieu-van-thay-doi-3447218.html

 

 

Sign up for our weekly news about eco-cult

Có thể bạn sẽ thích

Top
Message Us